Đường chân trời của nhân loại đã thay đổi mãi mãi khi Burj Khalifa – tòa nhà chọc trời siêu cao tầng – megatall cao nhất thế giới được khánh thành trên đất Dubai ngày 4 tháng 1 năm 2010. Tuy nhiên hầu hết mọi người lúc đó đều cho rằng Burj Khalifa sẽ chỉ giữ được hào quang trong không quá 2 năm, nó sẽ sớm phải nhường ngai vị cho một tòa nhà khác, cao hơn và hoành tráng hơn nhiều lần.
Thế nhưng đã 12 năm trôi qua, đã không có bất kỳ megatall nào có thể chạm đến ngôi báu mà Burj Khalifa đang chễm chệ. Đối thủ mà nhiều người mong chờ nhất của UAE là Trung Quốc – thì đã bất ngờ tuyên bố bỏ cuộc và ban bố lệnh cấm xây dựng các tòa nhà siêu cao. Điều đó đặt ra nghi vấn rằng điều gì đã khiến niềm đam mê xây dựng các tòa nhà chọc trời của con người bỗng chốc “tan thành dĩ vãng”?
Liệu cuộc chạy đua xây dựng các tòa nhà chọc trời siêu cao đã kết thúc trong thập kỷ này? Chúng ta đều biết rằng cuộc cạnh tranh danh hiệu “tòa nhà cao nhất thế giới” là một cuộc “chạy đua vũ trang” chỉ mới bắt đầu trong thời kỳ cách mạng công nghiệp. Trong suốt thời kỳ cổ đại, Kim tự tháp Giza là kiến trúc cao nhất trong suốt 3800 năm, với chỉ 138,8m.
The Old King
Đến mãi thế kỷ XIV trong thời kỳ trung cổ thì người châu Âu mới vượt qua được đường chân trời mà nền văn minh Ai Cập vạch ra. Các tòa nhà chọc trời đầu tiên chủ yếu là các thánh đường Cơ đốc giáo. Kim tự tháp Giza lần đầu tiên bị vượt qua bởi thánh đường Lincoln (147m) ở Anh vào năm 1311 và thánh đường Strasbourg (142m) ở Pháp năm 1439.
Cuộc giành giật ngai vị
Bước sang thế kỷ XX, cách mạng công nghiệp tư sản nổ ra tại phương Tây, cuộc đua danh hiệu “tòa nhà cao nhất thế giới” mới được châm ngòi nổ. Theo Wikipedia, thì nhà chọc trời được định nghĩa là những tòa nhà có hơn 40 tầng, và cao trên 150m.
Tòa nhà chọc trời đầu tiên nghiệm đúng định nghĩa này là Home Insurance Building ở Chicago, Illinois, nước Mỹ, được cất nóc vào năm 1884. Đây là một thành tựu vượt bậc, nó đã thay đổi kiến thức của nhân loại và đường chân trời của chúng ta mãi mãi. Tòa thị chính Philadelphia (167m) là tòa nhà cao nhất thế giới vào đầu thế kỷ thứ XX với chỉ 9 tầng.
Nhưng con số đó trở nên quá nhỏ nhoi và khiêm tốn trong thế kỷ XX khi so sánh với Tòa tháp đôi Petronas ở Kuala Lumpur (451.9m). Trong suốt thế kỷ này mãi đến năm 1999, các tòa nhà cao nhất thế giới đều nằm ở New York hoặc Chicago. Nhưng khi bước sang những năm 2000, cuộc chạy đua đã dịch chuyển khỏi phương Tây và bùng nổ tại châu Á và Trung Đông.
Để nhận thấy loài người đã đi lên cao được bao xa thì Burj Khalifa có số tầng nhiều hơn gấp 18 lần tòa thị chính Philadelphia, với 165 tầng.
Mặc dù Burj Khalifa vẫn là đang là tòa nhà cao nhất hiện nay nhưng vị thế là tòa nhà siêu lớn “MegaTall” duy nhất thế giới thì chỉ duy trì được 2 năm mà thôi.
Megatall skyscrapers – các tòa nhà cao nhất
Hạng | Tòa nhà | TP. | Quốc gia | Chiều cao | Số tầng | Hoàn thành |
1 | Burj Khalifa | Dubai | UAE | 828 m (2.717 ft) | 192 | 2010 |
2 | Merdeka 118 | Kuala Lumpur | Malaysia | 678,9m (2.227 ft) | 123 | 2022 |
3 | Tháp Thượng Hải | Thượng Hải | Trung Quốc | 632 m (2.073 ft) | 133 | 2015 |
4 | Tháp đồng hồ Abraj Al-Bait | Mecca | Ả rập Xê út | 601 m (1.972 ft) | 123 | 2012 |
5 | Trung tâm Tài chính Bình An | Thâm Quyến | Trung Quốc | 599 m (1.965 ft) | 120 | 2017 |
6 | Lotte World Tower | Seoul | Hàn Quốc | 554,5 m (1.819 ft) | 123 | 2017 |
7 | Trung tâm Thương mại 1 Thế giới | New York | Mỹ | 541,3m (1.776 ft) | 109 | 2014 |
Một tòa nhà được coi là MegaTall khi nó có chiều cao trên 600m. Tòa nhà thứ hai đứng chung mâm với Burj Khalifa đó là Tòa tháp Hoàng gia Abraj Al-Bait (hay Tháp đồng hồ Khách sạn hoàng gia Mecca) ở Ả rập Xê út cao 601m, được hoàn thành vào năm 2012.
3 năm sau thì Tháp Thượng Hải được dựng lên, và mới đây nhất là Merdeka 118 – tòa nhà cao nhất Đông Nam Á ở Malaysia, cũng đã gia nhập câu lạc bộ những tòa nhà megatall, chúng phản chiếu ánh sáng Mặt Trời rực rỡ.
Nhưng tại sao chúng ta lại phải xây dựng những tòa nhà cao như vậy?
- Những tòa nhà cao tầng ban đầu được xây dựng khi quỹ đất ở trở nên thiếu thốn. Nhà càng cao thì sẽ càng có nhiều không gian cho nhân viên làm việc hoặc cư dân sinh sống.
- Các tòa nhà chọc trời mọc lên cũng ngăn cản quá trình đô thị hóa tràn về nông thôn, gây thu hẹp diện tích đất nông nghiệp.
- Giải quyết nhu cầu về chỗ ở và kinh doanh cho rất nhiều người trên một diện tích đất nhỏ, giảm bớt mật độ xây dựng.
Những bất cập và hạn chế
Song cũng có nhiều mặt hạn chế đằng sau. Các tòa nhà cao tầng và siêu cao tầng hiện nay hầu hết đều thiên về tính biểu tượng, và việc sở hữu danh hiệu tòa nhà cao nhất thế giới phản ánh sự thịnh vượng và vị thế của quốc gia đó trên trường quốc tế, hơn là một nỗ lực để giải quyết các nhu cầu về nhà ở và văn phòng.
Dễ thấy trong khi những tòa nhà chọc trời ở New York thường được xây dựng bởi các tài phiệt tư nhân, nhưng ở châu Á. các Chính phủ thường trả tiền cho chúng.
Burj Khalifa sở hữu một trong những thống kê đáng ngạc nhiên nhất là gần 1/3 tòa tháp hiện không có người ở. Theo Hội đồng về các tòa nhà cao tầng và môi trường sống đô thị – CTBUH, Burj Khalifa cao hơn 800m nhưng chỉ có khoảng 600m là có thể ở được và đây là lý do cho cụm từ “Vanity Hight” – “chiều cao ảo” ra đời. Vanity Hight là chiều cao thực tế có thể sử dụng của tòa nhà.
Khi tháp Petronas vượt qua tháp Sears (giờ là tháp Willis) vào năm 1998, phần trần nhà cao nhất của Petronas thực ra còn thấp hơn 60m nếu so với tháp Sears. Và thực tế Burj Khalifa chỉ cao hơn tháp Thượng Hải 2m về chiều cao thực dụng.
CTBUH đã nói rằng một tòa nhà có 50% chiều cao trở lên không được sử dụng thực tế thì đó là một tòa Tháp, chứ không phải là một tòa Nhà, do đó không được xếp hạng trong các tòa nhà cao nhất thế giới.
Vì lý do đó các tháp truyền hình (ví dụ như Tokyo Skytree) còn cao hơn Merdeka 118 nhưng sẽ được xếp trong nhóm riêng. Công bằng mà nói thì kể cả có chiều cao ảo, thì các tòa nhà siêu cao có một chức năng thiết thực là thu hút khách du lịch, đặc biệt là Burj Khalifa. Có rất nhiều người muốn lên đó để ngắm cảnh, chụp ảnh hay check in.
Dự đoán và thực tế
Hiện thế giới chỉ có 4 tòa nhà được xếp hạng là MegaTall, nhưng con số này thấp hơn rất nhiều nếu lật lại các dự đoán trước đây. Vào năm 2012, CTBUH đã xuất bản một bài báo có tên là “20 tòa nhà cao nhất thế giới vào năm 2020”, bài báo này dự đoán ít nhất sẽ có 8 tòa nhà siêu lớn. Nhưng thực tế năm 2020 chỉ có 3 tòa mà thôi.
Lý do là ở mức độ phức tạp cực kỳ cao để thi công một tòa nhà chọc trời siêu cao tầng. Khi tòa nhà chọc trời đầu tiên được xây thì điều cần thiết duy nhất là cấu trúc khung xương bằng thép hình chữ nhật – hay “Bộ khung Chicago”, đó là cách mà Home Insurance được cất lên vào cuối thế kỷ XIX.
Việc xây dựng khung thép hình chữ nhật có những nhược điểm không thể giải quyết được, nó giống như là trò rút gỗ jenga. Càng lên cao thì tòa nhà càng yếu đi khiến bạn không thể tiếp tục xây cao thêm, chúng sẽ không thể chịu được gió lớn hay động đất. Các kỹ sư cần phải tính toán lại nếu muốn xây thêm các tầng mới.
Bí mật về kỹ thuật xây dựng
Vào giữa thế kỷ XX, một người gốc Bangladesh tên là Fazlur Rahman Khan đã phát minh ra một kỹ thuật xây dựng mới khiến ông được gọi là “Albert Einstein của kỹ thuật kết cấu”.
Đó chính là đặt các dầm thép hình ống trên mỗi tầng để kết nối với các dầm sàn ngang. Các dầm thép này có khả năng hấp thụ chấn động và chống lại gió bão một cách vững chãi. Kỹ thuật của Khan đã trở thành khuôn mẫu cho các tòa nhà chọc trời mới sau này. Fazlur Rahman Khan thậm chí đã trực tiếp thiết kế tháp Sears (Willis Tower) ở Chicago.
Năm 2004 tại Hàn Quốc, Khan cùng công ty Skidmore, Owings and Merrill đã thay đổi một chút về thiết kế khung thép với tòa nhà Samsung Tower Palace 3.
Tòa nhà này có một hệ thống cột chống với 1 trụ ở chính giữa và 3 cánh nhô ra. Hình dạng này làm trọng lượng của mỗi cánh được gánh bởi 2 cánh còn lại. Trục chính giữa trung tâm đóng vai trò hỗ trợ bổ sung. Thiết kế này sau đó đã được ứng dụng lên Burj Khalifa. Và đó là lý do tại sao nó có hình chữ Y.
Tháp Thượng Hải thực chất là 9 tòa nhà hình trụ xếp chồng lên nhau. Tháp Hoàng gia Abraj Al-Bait cũng là 7 tòa nhà nằm chồng lên nhau. Rộng nhất là ở dưới cùng để hỗ trợ chịu lực tốt nhất.
Vậy có vẻ như, chúng ta đã có đầy đủ công nghệ và kinh nghiệm để xây dựng các tòa nhà chọc trời còn cao hơn nữa. Nhưng tại sao các tòa nhà megatall được hoàn thành lại ít hơn nhiều so với dự đoán trước đây?
Danh hiệu tòa nhà cao nhất thế giới đã không thay đổi trong suốt 12 năm qua và có lẽ sẽ còn giữ nguyên thêm hàng thập kỷ nữa. Điều gì khiến độ cao của các tòa nhà không tăng thêm nữa?
Để trả lời câu hỏi này, trước tiên chúng ta phải nhìn vào Trung Quốc.
Chúng ta đều biết rằng hầu hết các tòa nhà cao nhất thế giới đều nằm ở đây. Tính đến năm 2021, có tới 10/20 tòa nhà cao nhất thế giới đều nằm ở Đại lục, 1 tòa thì ở Hong Kong. Trong 30 năm qua, Trung Quốc đã xây dựng số nhà chọc trời nhiều hơn cả nước Mỹ đã làm trong suốt thế kỷ XX. Nhiều người đã tin rằng “Trung Quốc sẽ soán ngôi Burj Khalifa”.
Tham vọng của Trung Quốc
Thú vị hơn nữa là vào năm 2013, CNN đã viết một bài báo có nội dung tạm dịch là “Tòa nhà Burj Khalifa cao 828m ở Dubai chỉ còn giữ được vị thế số 1 chưa đầy 1 năm nữa”.
“Tòa nhà Sky City được đề xuất xây dựng ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam dự kiến cao 838m. Sẽ chỉ mất 90 ngày để xây dựng và 120 ngày là cần thiết để đúc sắt”. CNN úp mở kết thúc bài báo với câu: “Rất khó để theo dõi các thông tin về độ cao của các tòa nhà chọc trời đang xây dựng ở Trung Quốc”.
Những gì chúng ta biết bây giờ là Sky City đã bị tạm dừng, với hàng loạt các báo cáo về sự chậm tiến độ. Vào năm 2015, địa điểm của dự án đã được chuyển đổi mục đích sử dụng thành hồ cá.
Năm 2014, The Phoenix Towers (凤凰塔 – Fènghuángtǎ) được đề xuất xây dựng ở Vũ Hán. Độ cao của các tòa nhà chọc trời này được đồn đoán lên đến 1000m, nhưng sau đó thì người ta không thể tìm thấy bất kỳ thông tin nào về nó sau năm 2014.
Tuy nhiên – tòa nhà cao thứ 2 thế giới vào năm 2020, và hiện xếp hạng 3 – tháp Thượng Hải đã được hoàn thành vào năm 2015.
Thế trận đảo chiều
Nhưng thế cờ đã thay đổi, gió đã đổi chiều trong việc cất nóc các tòa nhà megatall. Vào năm 2021, Trung Quốc đã “quay xe” và “cấm xây dựng bất kỳ tòa nhà mới nào cao hơn 500m, đặt giới hạn cho các tòa nhà cao hơn 250m. Các kiến trúc kỳ lạ, kỳ quặc, không mang tính kinh tế, không thẩm mỹ, không thân thiện với môi trường sẽ bị cấm”.
Lý do cho sự thay đổi đột ngột này được đưa ra như sau:
- Trung Quốc đã quá nổi tiếng với các kiến trúc kỳ lạ, kỳ quặc, bắt chước kiến trúc nước ngoài
Độc đáo thì có sân vận động Tổ Chim, còn copy thì tháp Eiffel hay Nhà Trắng thì có hẳn vài cái. Chính phủ Trung Quốc hiện nay muốn các tòa nhà phải phù hợp với kiến trúc đô thị xung quanh. Nhu cầu về bất động sản của nước này cũng đang chậm lại.
- Chiều cao ảo và thành phố ma
Theo Nikkei Asia, tỷ lệ trống của không gian văn phòng cao cấp ở Thẩm Quyến là 26,4%. Tỷ lệ này ở Bắc Kinh và Thượng Hải cũng đã tăng lên đáng kể trong 2 năm qua.
Ngoài ra còn có rất nhiều tòa nhà không có người ở – hay còn gọi là “thành phố ma” – nơi có vô số những tòa nhà chung cư mới được xây dựng nhưng không có cư dân sinh sống. Theo nguồn tin từ Business Insider, các căn hộ chung cư không có người ở tại Trung Quốc đủ sức chứa toàn bộ người dân nước Pháp.
- Sức khỏe và an toàn của cư dân sống trong các tòa megatall
Tháng 3/2021, một đám cháy đã bùng phát trong một chung cư cao tầng tại Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc. Sau đó một đám cháy khác cũng đã bùng phát tại một tòa nhà ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Tháng 5 năm đó trong một tòa nhà cao 72 tầng ở Thâm Quyến, đã rung lắc mạnh khiến mọi người bỏ chạy tán loạn.
Vậy với việc Trung Quốc đã từ bỏ việc chạy đua xây dựng các tòa nhà MegaTall, kẻ còn lại trong cuộc đua thách thức vị trí số 1 của Burj Khalifa là ai?
Các tòa nhà megatall trên giấy
Tháp Jeddah ở Ả rập Xê út (Saudi Arabia) nếu hoàn thành đây sẽ là tòa nhà megatall đầu tiên cao 1km.
Nhưng đáng tiếc rằng công việc xây dựng đã bị dừng lại kể từ tháng 1 năm 2018 vì một trong những chủ đầu tư chính của nó đã bị bắt trong một cuộc thanh trừng chính trị tại quốc gia quân chủ dòng Sunni bảo thủ này. Những người duy nhất biết về tương lai của dự án này chỉ có thể là chính phủ hoàng gia Saudi.
Malaysia có 2 tòa nhà đang được lên kế hoạch xây dựng đó là Tower M và Tradewinds Square Tower. Một tuyên bố vào năm 2018 nói rằng Tower M thậm chí còn chưa khởi công và sẽ không được hoàn thành trong 1 thập kỷ nữa, sớm nhất là sau năm 2035. Đối với Tradewinds Square Tower, cho biết đến năm 2020 thì địa điểm xây dựng vẫn đang trống không.
Indonesia cũng đề xuất xây dựng Signature Tower, nhưng đã bị hủy vào năm 2018. Tòa tháp Sky Mile ở Tokyo cũng được đề xuất xây dựng trong năm 2012 nhưng trong 10 năm vẫn không có bất kỳ tiến triển nào.
Thế còn Mỹ? Liệu New York hay Chicago còn có thể xây lên những tòa nhà siêu cao tầng nữa hay không? Câu trả lời là “không người Mỹ nào muốn xây dựng chúng cả”. Các dự án xây dựng ở New York đắt đỏ và tốn kém hơn nhiều so với ở Trung Đông hay Trung Quốc. Hơn nữa quỹ đất tại New York là vô cùng hiếm.
Thời gian cho một dự án megatall sơ sơ cũng mất cả chục năm. Quá lâu để các nhà đầu tư có thể thu được lợi tức. Việc kiếm tiền từ các dự án chọc trời cũng đã bị cản trở bởi đại dịch Covid-19.
Như các bạn đã biết thì đại dịch đã làm giảm nhu cầu về không gian văn phòng. Làm việc online ngày càng trở nên phổ biến và kết quả là nhu cầu về bất động sản thương mại đã chậm lại. Nó cũng gây ra một cuộc suy thoái toàn cầu, tức là có ít tiền hơn để đầu tư tài trợ cho các dự án cao tầng.
Tác động xấu đến môi trường
Một yếu tố quan trọng khác là cách các tòa nhà siêu lớn tác động đến môi trường sống. Chắc chắn tầm nhìn từ một tòa nhà megatall sẽ rất tuyệt vời. Nhưng còn các tòa nhà bên cạnh thì sao? Bạn có muốn làm việc trong một văn phòng mà ngay bên cạnh là một công trường xây dựng hàng thập kỷ hay không?
Các tòa nhà Megatall lại cản trở ánh sáng của các tòa nhà xung quanh, tổng thể không phù hợp quy hoạch chung của toàn thành phố.
Một tòa nhà siêu cao tầng sẽ có ít nhất gấp đôi lượng khí thải nhà kính nếu so với một tòa nhà 10 tầng có cùng diện tích sàn. Điều này là do cần thêm nhiều nguyên liệu và công đoạn cho công tác đào móng.
Vì vậy có vẻ như cuộc chạy đua để xây dựng các tòa nhà ngày càng cao đã dừng lại.
Rất nhiều đề xuất về các tòa nhà megatall đã bị hủy bỏ, thậm chí một số nước như Trung Quốc còn ra lệnh cấm hoàn toàn. Châu Âu thì vốn dĩ không ưa các tòa nhà quá cao. Có khi nào Burj Khalifa sẽ mãi là tòa nhà cao nhất thế giới mà con người từng xây dựng hay không? Hãy cho chúng tôi biết suy nghĩ của bạn ở dưới phần comment.
Đội ngũ UI/UX Design, Web Developers bằng cấp chuyên môn, tận tâm, nhiệt huyết với nhiều năm kinh nghiệm.
Ghi dấu ấn, hoàn thiện nhiều Websites, Landing pages chất lượng, thẩm mỹ cao, thân thiện với người dùng.
Dịch vụ quản trị Website, xây dựng Content, thiết kế đồ họa, AdSense, lắp đặt AutoCall, Wifi Mesh, Wifi Marketing.
Hỗ trợ nhiều Celeb - Influencers - KOLs - công ty tiêu biểu có mặt trên Wikipedia tiếng Việt.