Ngay đến các thẩm phán cũng sử dụng, dựa dẫm vào Wikipedia để tìm ra câu trả lời vì tính nhanh gọn của nó, không riêng gì học sinh sinh viên.
Các thẩm phán được cho là ngày càng dựa dẫm vào Wikipedia để đưa ra phán quyết, theo một nghiên cứu của các chuyên gia tại MIT CSAIL (Phòng thí nghiệm khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo MIT, Mỹ).
Theo MIT CSAIL, trang bách khoa toàn thư mở này có thể ảnh hưởng đến các quyết định pháp lý, khi trên Wikipedia có những bài viết liên quan đến các vụ án đang và đã được xét xử.
Đặc biệt ở các quốc gia phương Tây, việc đưa phán quyết cho các vụ án thường dựa vào kết quả của các vụ án tương tự trong quá khứ hơn là tra xét trong bộ luật.
Các nhà khoa học cho biết nếu 1 trang Wikipedia có liên quan đến vụ án xét xử thì số lần nó được trích dẫn sẽ tăng hơn 20%.
Nghiên cứu của MIT CSAIL được thực hiện bằng cách cho các sinh viên luật viết hơn 150 bài về các phán quyết của Tòa án tối cao Cộng hòa Ireland về các vụ án trong quá khứ.
Hơn 50% số bài trên sẽ được chọn ngẫu nhiên để tải lên Wikipedia. Nơi mà các thẩm phán, luật sư, và thư ký có thể truy cập dễ dàng.
Phần còn lại thì được cất đi, không đăng lên để xem điều gì sẽ xảy ra trong trường hợp không có bài viết trên Wikipedia. MIT CSAIL cho biết Ireland là nơi lý tưởng để thử nghiệm. Các quyết định của tòa án cấp cao sẽ ràng buộc các tòa án cấp dưới.
Khác với ở Mỹ, Anh hay Nhật Bản, không có nhiều bài viết về các vụ án cũ tại Ireland trên Wikipedia. Chỉ bằng cách đăng các bài viết của sinh viên lên, các nhà khoa học của MIT CSAIL đã nâng số bài viết về “luật pháp Ireland” trên Wiki lên gấp 10 lần.
Giải thích vì sao Wikipedia được truy cập nhiều có lẽ là do nó nhanh và dễ dàng tìm kiếm. Số lượng trích dẫn tăng cao phần lớn là đến từ các tòa án cấp thấp, chứ không phải tòa án cấp cao hay tòa phúc thẩm.
Đối với MIT CSAIL, điều náy chỉ ra rằng các thẩm phán và thư ký đều dùng Wikipedia để hỗ trợ trong việc xử lý văn thư, thừa phát lại, tài liệu của tòa án.
Nghiên cứu của MIT CSAIL dấy lên quan ngại sâu sắc vì thông tin trên Wikipedia không phải lúc nào cũng chính xác. Nó dễ dàng bị sửa đổi mọi lúc mọi nơi bởi bất cứ ai. Chúng ta đều đã nghe qua vụ việc một người phụ nữ Trung Quốc đã bịa đặt hàng trăm bài về lịch sử nước Nga mà hoàn toàn không bị xem xét trong một thời gian dài.
Điều này dẫn đến khả năng các thẩm phán sẽ đưa ra quyết định sai dựa trên một bài viết thiếu tính xác thực trên Wiki, hoặc kẻ gian nào đó cố tình chỉnh sửa bài viết để làm thay đổi phán quyết của tòa án.